Khoảng 19h45 tối 22/12, cơ quan chức năng nhận tin báo từ một bệnh viện (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) với nội dung tại đây có cấp cứu một bé gái trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện.
Nhận tin báo, đội nghiệp vụ Công an quận Bình Thạnh phối hợp Công an phường 22 xuống bệnh viện ghi nhận lời khai những người liên quan, điều tra làm rõ vụ việc.
Qua khám nghiệm, bác sĩ ghi nhận cháu bé có những vết thâm bầm lớn khắp nơi trên cơ thể, ngoài ra còn có vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt. Từ đó, cơ quan chức năng nghi vấn cháu bé bị đánh đập dẫn đến tử vong.

Xác minh ban đầu, bé gái tử vong là N.T.V.A. (8 tuổi), là con ruột của ông N.K.T.T (36 tuổi, ngụ quận 1). Thời gian qua, ông T. đang cư trú cùng Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, vợ sắp cưới của ông T.) tại một căn hộ chung cư ở phường 22, quận Bình Thạnh. Được biết, cha mẹ của V.A đã ly hôn từ tháng 8/2020. V.A sống cùng cha ruột và bà Trang.

Ngày 23/12, Cơ quan chức năng đã ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự Võ Nguyễn Quỳnh Trang do xác định đối tượng có dấu hiệu bạo hành, đánh đập bé V.A.

Tại đây, Trang khai nhận đã nhiều lần đánh bé V.A. Theo đó, Trang lên mạng đặt mua một chiếc roi mây để tiện "dạy" bé. Sau khi đánh gãy roi mây, đối tượng này dùng một thanh gỗ khác để tiếp tục hành hạ cháu bé.

Vào sáng 22/12, V.A có lịch học online từ 7 giờ đến 11 giờ. Sau đó, Trang nấu phở cho cháu ăn và cho uống 3 hộp sữa. Khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, Trang tiếp tục kèm cháu V.A học. Sau đó, đối tượng dùng cây gỗ đánh cháu bé nhiều lần trong khoảng 30 phút.
Công an Q.Bình Thạnh cho biết, tại Cơ quan công an, ông T. – cha ruột của V.A thừa nhận bản thân giao con gái cho Trang chăm sóc nuôi dưỡng, dạy học. Ông T. cũng cho biết có nắm được việc Trang dùng roi mây, sau này là dùng gậy gỗ đánh V.A.
Trong quá trình sinh hoạt, biết V.A. có vết bầm tím và bảo rất sợ Trang, nhưng ông T. có vẻ như đồng tình với các biện pháp như vậy của người tình nên không có những hành động quyết liệt để bảo vệ con.
Còn theo một số người sinh sống tại chung cư này nơi V.A sinh sống cùng bố và mẹ kế, một số người đã nghe tiếng cháu la hét, bị đánh vào chiều ngày 22/12 và trước đó nhiều lần cũng bị hành hạ.

Tới ngày 28/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với nghi phạm Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi hành hạ người khác.
Theo anh Vinh (bác ruột của V.A), chị Nguyễn Thị H. (mẹ ruột của N.T.V.A) hiện đang rất đau đớn trước sự ra đi của con gái mình. Lần cuối người mẹ gặp con là từ tháng 12 năm ngoái, cách đây đã 1 năm. Lúc đó hai mẹ con gặp nhau tại trường và ôm nhau khóc nức nở: "Lúc đó bé ôm mẹ khóc và nói một câu mà đến bây giờ tôi nghe lại rất nhiều lần vẫn thấy thương hai mẹ con. Bé nói: "Ba đã cấm con không gặp mẹ rồi mà, sao mẹ gặp con làm gì?" và rồi hai mẹ con ôm nhau khóc. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng bé rất hiểu chuyện, bé nói với mẹ: Mẹ ơi, mẹ đừng có khóc, mẹ đừng buồn, mẹ khóc mẹ buồn là V.A. cũng buồn đấy. Mẹ hứa với V. A., mẹ đừng khóc, đừng buồn nữa nhé".
Được biết, chị H. cùng anh trai và những người thân trong gia đình đã nhận thi thể bé V.A. và đưa đi hỏa táng tại Phước Lạc Viên, Bình Dương.
Sự việc bé gái 8 tuổi bị mẹ kế hành hạ dẫn tới tử vong khiến dư luận phẫn nộ và đau lòng. Những vụ bạo hành trẻ em không phải là hiếm mà gần như năm nào cũng được truyền thông phản ánh và cứ lặp đi lặp lại. Dư luận mong muốn kẻ ác sẽ bị trừng trị nhưng nếu chỉ tập trung kết tội thủ phạm thì chúng ta không thể giải quyết được hết gốc rễ của vấn đề.
Để những vụ bạo hành trẻ em không còn xảy ra thì cần phải xây dựng nhận thức cho cả xã hội. Khi gặp trường hợp trẻ em bị bạo hành, đánh đập, chính các em hoặc những người chứng kiến có thể gọi điện tới đường dây nóng 111 - Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Hãy hành động ngay khi chứng kiến hoặc là nạn nhân của tình trạng bạo hành trước khi sự việc trở nên quá muộn.

Đã đến lúc, số điện thoại 111 cần được in ấn và dán khắp nơi như cách mà chúng ta vẫn làm với 113, 114 và 115. Hãy xem việc trẻ em bị bạo hành cũng cấp thiết như cháy nhà, như cướp giết, như tai nạn, như ốm đau bệnh tật nguy kịch.
Các bạn nhỏ cũng hãy "nhớ nằm lòng" số điện thoại 111 để có thể cầu cứu khi cần nhé?!